Ý nghĩa và sự ra đời của ngày quốc tế phụ nữ 8/3
Lịch sử ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3
Khởi nguồn của ngày Quốc tế phụ nữ bắt đầu vào ngày 8/3/1899 khi các nữ công nhân ngành dệt may tại hai tiểu bang Chicago và New York đứng lên đấu tranh đòi quyền lợi cho lao động nữ và trẻ em bởi họ bị bóc lột và chèn ép quá đáng.
Thời bấy giờ, chủ nghĩa tư bản ra sức bóc lột sức lao động của họ, trong khi đồng lương trả quá thấp khiến hầu hết nữ lao động đều rơi vào cảnh sống đói khổ, cơ cực. Mục đích của cuộc biểu tình năm đó nhằm đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ trong lao động, tăng lương, giảm giờ làm và các phúc lợi khác.
Mặc dù bị đàn áp, nhưng sự vùng lên của nữ quyền năm 1899 đã đánh dấu bước khởi đầu của kỷ nguyên bình đẳng nam - nữ không chỉ ở Mỹ mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Tới năm 1909, Đảng xã hội Mỹ ở New York mới chính thức kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ nhằm tưởng nhớ tới phong trào đấu tranh đòi quyền lợi của các nữ công nhân 10 năm trước. Tuy nhiên, lễ kỷ niệm đó lại là ngày 28/2 chứ không phải ngày 8/3.
Một năm sau đó, vào ngày 8/3/1910, Chủ tịch Hội nghị phụ nữ do Quốc tế thứ 2 hay còn biết tới là Quốc tế Xã hội chủ nghĩa là Clara Zetkin, một phụ nữ Đức, đã đề nghị chọn một ngày để tôn vinh những phụ nữ đã đấu tranh trên toàn thế giới.
Tháng 8/1910, tại Hội nghị Phụ nữ Thế giới được tổ chức ở Đan Mạch, đề xuất tạo ra một Ngày Phụ nữ Quốc tế hàng năm cũng được ủng hộ dù chưa thống nhất chọn ngày nào. Riêng ở Mỹ, ngày 28/2 vẫn được kỷ niệm như ngày Quốc tế dành cho phái đẹp.
Sau nhiều cuộc thảo luận, tới năm 1914, ngày Quốc tế Phụ nữ chính thực được chọn là ngày 8/3 và từ đó đến nay, đây trở thành ngày hội của toàn thế giới nhằm tôn vinh phái đẹp cũng như sự bình đẳng giới. Những năm tiếp theo, để kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ, phái đẹp ở nhiều nước trên thế giới đã biểu tình, mít tinh nhằm đòi quyền lợi trong xã hội.
Ngày 8/3 năm 1914, nhiều phụ nữ ở Đức và Anh đồng loạt biểu tình đòi quyền bầu cử. Năm 1917, phụ nữ Nga biểu tình nhân dịp 8/3 đã làm dấy lên cuộc Cách mạng tháng 10 Nga. Cũng từ năm đó, Liên bang Xô Viết tuyên bố ngày 8/3 là ngày nghỉ lễ quốc gia.
Điều này đã tạo nên sức ảnh hưởng lớn bao trùm lên nhiều nước cộng sản bấy giờ. Năm 1922, những người cộng sản Trung Quốc kỷ niệm ngày 8/3, tiếp đó là cộng sản ở Tây Ban Nha tôn vinh nữ giới vào năm 1936.
Năm 1949, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập và quyết định lấy ngày 8/3 là ngày lễ chính thức của phụ nữ ở Trung Quốc. Vào ngày này, lao động nữ sẽ được nghỉ 1/2 ngày.
Năm 1977, Liên Hợp Quốc tuyên bố ngày 8/3 là Ngày của Liên Hợp Quốc về quyền phụ nữ và hòa bình thế giới; hay còn gọi tắt là ngày Quốc tế Phụ nữ. Từ đó, cả thế giới kỷ niệm ngày 8/3 là ngày tôn vinh phái đẹp.
Từ đó đến nay, ngày 8.3 đã trở thành ngày hội của phụ nữ thế giới, đoàn kết đấu tranh nhằm tự giải phóng phụ nữ và thực hiện quyền nam nữ bình đẳng.
Ở nước ta ngày 8.3 còn là ngày để kỉ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, là 2 vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc giành chủ quyền dân tộc. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chính là trang sử bất hủ của dân tộc ta ở đầu công nguyên, không chỉ thể hiện tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam mà còn nói lên những khả năng hết sức lớn lao của phụ nữ Việt Nam trong việc lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng đất nước ngày nay.
Theo Vietnamnet